Giá thép trong nước dự báo sẽ rất khó “hạ nhiệt” nhanh chóng, ngược lại có thể tiếp tục tăng giá hoặc neo ở mức giá cao trên 20 triệu đồng/tấn thêm một thời gian, đến khi những bất ổn về nguồn cung, chi phí logistics trên thế giới ổn định hơn.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô thế giới của 64 quốc gia là 155 triệu tấn vào tháng 1, giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc, nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, tiếp tục ghi nhận giảm về sản lượng trong tháng 1 khi đạt 81,7 triệu tấn, giảm 11,2% so với tháng 1/2021. Trong khi đó, các nước có sản lượng thép thô lớn khác như Ấn Độ, Mỹ, Nga, Iran lại tăng từ 3,3% đến 20,3%.
Theo báo cáo chiến lược tháng 3 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), xung đột Nga-Ukraine có thể dẫn đến gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng ngành thép tại châu Âu vì Nga là nhà cung cấp lớn về khí đốt tự nhiên, than, sắt và thép của khu vực này.
Năm 2021, Nga và Ukarine chiếm khoảng 20% sản lượng thép nhập khẩu của khu vực. Bên cạnh nguồn cung thép có khả năng giảm, các nhà sản xuất thép châu Âu có thể đối mặt với chi phí năng lượng tăng cao, điều này sẽ gây áp lực lên chi phí sản xuất thép.
Trong ngắn hạn, giá dầu khí tăng sẽ tác động đến các nhà sản xuất ở khu vực này. Các nhà sản xuất thép phẳng của Việt Nam và Ấn Độ sẽ hưởng lợi từ căng thẳng khi các công ty này có thể tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn cũng như tồn kho giá thấp.
Giá thép trong nước được dự báo sẽ rất khó “hạ nhiệt” nhanh chóng, ngược lại có thể tiếp tục tăng giá hoặc neo ở mức giá cao trên 20 triệu đồng/tấn thêm một thời gian, đến khi những bất ổn về nguồn cung, chi phí logistics trên thế giới ổn định hơn.