Chủ tịch Lê Phước Vũ: Thép Hoa Sen xuất đi Mỹ, châu Âu đã hơn 3 tháng vẫn chưa được bốc xuống cảng vì đứt gãy chuỗi cung ứng

Hậu quả của việc đứt gãy chuỗi cung ứng đã gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu. Điển hình tại Tập đoàn Hoa Sen khi có những đơn hàng xuất đi Mỹ, Châu Âu từ cuối năm 2021 đến nay vẫn chưa được bốc xuống cảng.

Hàng xuất hơn 3 tháng vẫn chưa thể bốc xuống cảng

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 (niên độ 2021-2022), Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cho biết do ảnh hưởng bởi đứt gãy chuỗi cung ứng, có những lô hàng xuất khẩu sang Mỹ từ cuối năm ngoái nhưng đến hiện tại vẫn chưa được bốc xuống.

“Hiện nay trong điều hành có rất nhiều yếu tố khôn lường. Tôi nói ví dụ chúng ta có đơn hàng từ tháng 11, 12 năm ngoái xuất đi Mỹ, châu Âu bây giờ chưa bốc xuống quý vị tin không? Qua cảng Los Angles đậu 2 tháng, không có chỗ cập cảng. 

Rồi hàng xuất đi châu Âu, vòng qua tới Italy rồi trải qua Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Đan Mạch, Anh,  cũng không có chỗ luôn”, ông Vũ nói với cổ đông. 

Chủ tịch Lê Phước Vũ: Thép Hoa Sen xuất đi Mỹ, châu Âu đã hơn 3 tháng vẫn chưa được bốc xuống cảng vì đứt gãy chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Hoa Sen cho biết trong năm 2021, kênh xuất khẩu vẫn đạt mức tăng trưởng mạnh thông qua 2 thị trường lớn là Mỹ và Châu Âu, hiện có tỷ suất lợi nhuận cao hơn so với các thị trường khác. Tuy nhiên, khả năng xuất khẩu dự kiến chậm lại trong năm 2022, các công ty tôn mạ sẽ khó duy trì lượng xuất khẩu do nguồn cung toàn cầu phục hồi.

Ông Trần Quốc Trí, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Hoa Sen  cho biết việc đứt gãy chuỗi cung ứng thời gian qua ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của tập đoàn.

Theo đó, câu chuyện đứt gãy chuỗi cung ứng đã diễn ra từ giữa năm ngoái và kéo dài đến năm nay. Nhằm giải quyết tình hình này, công ty đã có 4 giải pháp chính.

Đầu tiên, Hoa Sen có 3 cụm nhà máy chính nằm ở 3 cảng quốc tế nước sâu tại Nghi Sơn – Cái Mép và Quy Nhơn. Do đó, việc giao – nhận hàng xuất nhập khẩu không bị dồn nén, tắc nghẽn cục bộ, đồng thời tăng cường khả năng linh hoạt điều chuyển hàng.

Thứ hai, công ty có khách hàng thân thiết, chấp nhận việc linh hoạt trong phương thức giao hàng.

“Hoa Sen có khách hàng lâu năm và uy tín. Do đó, họ thấu thấu hiểu và đồng ý việc linh hoạt giao hàng giữa hai hình thức hàng rời và hàng container. Do đó, thời điểm container bị kẹt, Hoa Sen chuyển qua hình thức giao hàng rời”, ông Trí cho biết.

Thứ ba, Hoa Sen lựa chọn đối tác vận chuyển uy tín và lâu năm giúp giải quyết được các vấn đề khi xảy ra rủi ro.

Cuối cùng, việc đa dạng các thị trường xuất khẩu giúp Hoa Sen giảm thiểu rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng. Theo đó, công ty xuất khẩu sang 87 thị trường. Thời điểm tắc nghẽn ở các thị trường lớn, công ty luân chuyển hàng sang các thị trường khác.

“Tổng hoà, công ty xuất khẩu được nhiều hơn”, ông Trí nói.

Kế hoạch kinh doanh thụt lùi

Trong năm 2021, lượng tiêu thụ của Hoa Sen đạt 2,25 triệu tấn, vượt 25% kế hoạch và tăng trưởng 39%. Doanh thu thuần đạt 48.727 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.313 tỷ đồng, vượt 48% và 188% so với kế hoạch.

Tuy nhiên, bước sang năm 2022, công ty đặt mục tiêu kết quả kinh doanh thấp hơn so với năm ngoái. 

Theo đó, HĐQT đặt kế hoạch kinh doanh hợp nhất cho niên độ tài chính 2021 – 2022 lượng tiêu thụ đạt 2 triệu tấn, doanh thu đạt 46.399 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế từ 1.500 đến 2.500 tỷ đồng phụ thuộc vào diễn biến giá nguyên liệu đầu vào.

Chủ tịch Lê Phước Vũ: Thép Hoa Sen xuất đi Mỹ, châu Âu đã hơn 3 tháng vẫn chưa được bốc xuống cảng vì đứt gãy chuỗi cung ứng - Ảnh 1.
Kết quả kinh doanh của Hoa Sen từ năm 2013 đến năm 2021 và kế hoạch năm 2022. (H.Mĩ tổng hợp từ kết quả kinh doanh tập đoàn Hoa Sen)

Lý giải cho điều này, tập đoàn cho rằng giá thép trong nửa đầu năm 2022 sẽ vẫn duy trì ở mức cao nhưng đến nửa cuối năm sẽ chịu áp lực bởi nguồn cung dồi dào.

Cụ thể, theo Hoa Sen, năm 2022, lượng tiêu thụ trong nước có thể tăng trưởng nhẹ do nhu cầu hồi phục. 

Mặt bằng giá thép được dự đoán sẽ tiếp tục neo ở mức cao, ít nhất trong nửa đầu năm 2022 do nhiều dự án bất động sản sẽ được nhanh chóng triển khai sau khoảng thời gian dài bị hoãn trong năm 2021 do dịch bệnh. 

Tuy nhiên, lượng xuất khẩu thép được dự đoán sẽ chững lại do chuỗi cung ứng toàn cầu hồi phục, các quốc gia sẽ gia tăng chính sách bảo hộ đối với thép nhập khẩu, giá thép sẽ được điều chỉnh ổn định dần từ nửa cuối năm 2022 khi tình trạng đứt gãy nguồn cung được giải quyết, tình trạng dư cung có thể xảy ra khi các nhà máy thép gia tăng sản lượng sản xuất để giải quyết bài toán thiếu hụt sản phẩm. 

Do đó, giá HRC dự báo giảm 11,5%; các công ty thép có thể không được hưởng lợi đáng kể từ hàng tồn kho giá rẻ trong 2022 như với năm 2021, biên lợi nhuận từ kênh xuất khẩu có khả năng giảm từ mức cao trong năm 2022. 

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào đã và đang biến động rất khó lường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh không chỉ của riêng tập đoàn mà còn tác động mạnh đến hầu hết các doanh nghiệp cùng ngành.

This entry was posted in Chưa phân loại. Bookmark the permalink.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *